Kỳ 1: Cắm nhà cho con nuôi công ty đa cấp
Thời gian gần đây, một số thanh niên xã Thanh Hòa (huyện Thanh Chương - Nghệ An) lấy lý do xin gia đình ra Bắc học nghề hay vào làm ở công ty may mặc, công ty bánh kẹo... để xin tiền gia đình đầu tư vào mô hình kinh doanh đa cấp Lô Hội chi nhánh Thái Bình.
Nhiều gia đình thuần nông, quanh năm chỉ biết 2 sào lúa, đôi ba lứa lợn, gà giờ mang nợ không biết xoay xở đâu để trả, thậm chí có gia đình rơi vào tình huống sắp phải ra đường vì trót mang sổ đỏ đi cắm ngân hàng hoặc vay nợ nóng lãi suất cao.
Đau xót hơn khi họ biết, số tiền họ đầu tư cho con không phải để con học lấy một cái nghề dắt lưng, lo cho tương lai lâu dài mà đã được đem đi đầu tư vào hệ thống đa cấp Lô Hội, với ước mơ đổi đời, giàu sang trong thời gian ngắn nhất.
Thậm chí, nhiều bậc cha mẹ đang lâm vào tình cảnh "mất cả của lẫn người", vì những đứa con ngỗ ngược rơi vào vòng xoáy đa cấp không thể thức tỉnh, lẩn trốn người thân.
Nước mắt chảy xuôi
Vào một ngày cuối tháng 8, Báo điện tử VTC News nhận được cuộc điện thoại từ một người cha quê Nghệ An trong tâm thế bất an, hoảng loạn. Qua điện thoại, người cha này mong muốn VTC News là đầu mối, là nơi cuối cùng ông gửi gắm mong ước tìm lại được người con trai trót rơi vào bẫy đa cấp.
Ông Trung đang kể lại sự việc với phóng viên |
Qua những lời kể gián đoạn, chúng tôi cảm nhận được sự lo lắng tột độ của độc giả này.
Ông giới thiệu tên Nguyễn Công Trung, trú xóm Hòa Bình, xã Thanh Hòa (huyện Thanh Chương, Nghệ An), gia đình thuần nông. Vợ chồng ông sinh được 2 người con. Người con gái đầu đi làm công nhân may ở Hải Dương. Người con trai thứ hai sinh năm 1995 mới tốt nghiệp phổ thông năm vừa rồi.
Cả hai người con đều ngoan ngoãn, chưa từng làm buồn lòng cha mẹ.
Sau hôm tốt nghiệp được 3 ngày, Lộc xin bố mẹ ra Hải Phòng đi làm cho một công ty bánh kẹo.
"Lộc nói rằng có người quen ở xã Thanh Nho (Thanh Chương) giới thiệu. Nghĩ con học hành mức trung bình, cơ hội vào đại học không có nên vợ chồng tôi đồng ý để con đi làm", ông Trung kể.
Ngày Lộc đi, ông Trung vét sạch tiền ki cóp trong nhà, đưa cho con 2 triệu đồng.
Được một tuần sau, Lộc điện thoại về xin bố mẹ cho tiền đi học nghề sửa chữa máy nâng. Lộc nói với bố mẹ rằng, đây là suất công ty cử đi học của người quen ở Thanh Nho nhường lại.
Ông Trung thắc mắc hỏi con "bao nhiêu người vào trước không được, con chân ướt chân ráo sao lại được ưu tiên"?
Lộc trả lời: "Đây là cái số may mắn, suất của người anh ở Thanh Nho đăng ký cho em, nhưng em của họ đã đỗ đại học nên không ra nữa. Họ thương nên mới nhường lại".
Số tiền mà Lộc xin cha mẹ lên đến 13 triệu đồng, trong đó 8 triệu đồng tiền đóng học phí cả năm, 5 triệu còn lại nộp bảo hiểm, trong thời gian học bị rủi ro có bảo hiểm lo.
Trong quá trình chờ đợi ông Trung chạy vạy tiền gửi ra, gặp lúc người cô của Lộc ở Thanh Chương bị tai nạn nên Lộc nói rằng sẽ về thăm, rồi về lấy tiền luôn thể.
Thương con, cắm nhà
Thời gian này, trong nhà không có tiền, ông Trung định giải thích cho Lộc số tiền quá lớn cha mẹ không biết nhìn vào đâu. Nhưng ông chưa kịp nói thì Lộc lên tiếng trước khiến ông không còn đủ can đảm nói ra nói với con.
"Cha mẹ à, giờ cha mẹ làm nông nghiệp khổ, cày cấy chân lấm tay bùn khổ rồi. Bây giờ đã đến lúc con muốn được báo đáp cha mẹ. Con muốn học. Chỉ có học mới giúp con thoát nghèo, thoát khổ. Cha mẹ phải cho con học, cơ hội này nghìn năm có một", Lộc nài nỉ.
Nghe con nói như vậy, hai vợ chồng ông Trung đã trao đổi với nhau và đồng ý với nguyện vọng chính đáng trên.
Ngay ngày hôm sau, ông Trung cầm bìa đất ra ngân hàng thế chấp, vay 15 triệu đồng, vừa cho con nộp tiền học, vừa là tiền ăn, ở những tháng đầu tiên.
Thời gian khoảng 2 tháng trôi qua, Lộc vẫn thường xuyên liên lạc về hỏi han tình hình gia đình. Ngược lại, phía 2 vợ chồng ông Lộc cũng liên tục gọi điện hỏi han chuyện học hành của Lộc, rồi chuyện sinh hoạt, ăn uống có đầy đủ hay không.
Mọi việc diễn ra khá êm thấm, và 2 vợ chồng ông Trung cảm thấy hả dạ khi nghĩ về đứa con biết chí thú làm ăn.
Tuy nhiên, một ngày giữa tháng 7/2013, ông Dũng, người ở xóm Hòa Bình, sát bên xã nhà ông Trung ra Thái Bình tìm con gái tên là Nguyễn Thị Sương (SN 1991, trường hợp của Sương cũng xin tiền gia đình đi học nhưng dốc tiền vào mua các sản phẩm của công ty Lô Hội đi bán).
Tại Thái Bình, ông Dũng đã tìm được con gái và phát hiện Lộc cũng tham gia vào công ty Lô Hội nên khuyên nhủ Lộc cùng trở về quê. Tuy nhiên, Lộc không trở về cùng bố con ông Dũng mà kiên quyết ở lại Thái Bình "lập nghiệp".
Về đến Thanh Chương, ông Dũng kể lại toàn bộ sự việc cho ông Trung biết và nói ông Trung thu xếp ra Thái Bình đưa con về.
Nghe tin, ông Trung như bị "sét đánh ngang tai" vì ông vẫn đinh ninh con mình đang học nghề ở Hải Phòng.
Ngay lập tức, ông Trung gọi điện chất vấn Lộc thì được thừa nhận, Lộc đã tham gia vào hệ thống bán hàng đa cấp Lô Hội ở Thái Bình suốt 2 tháng qua. Thực sự choáng váng, không kiềm chế được cảm xúc, ông Trung buông lời chửi mắng con và yêu cầu Lộc "mang xác" về quê ngay lập tức.
Cũng kể từ đây, mọi thông tin liên lạc giữa hai cha con ông Trung bắt đầu thưa dần rồi mất kết nối hẳn bởi sự lảng tránh của Lộc.